Thư viện Kon Tum
Thư viện Kon Tum
Thư viện Kon Tum
Thư viện Kon Tum
Thư viện Kon Tum
Thư viện Kon Tum

Văn hóa

Ngày đăng: 21-02-2023

1. Phan Định. Ya Xiêr vào xuân

Báo Quân đội nhân dân.-Số 22192.-Thứ sáu, ngày 20/1/2023.-Tr.3

Ya Xiêr là một trong 6 xã khó khăn của huyện biên giới Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Sau thời gian được Bộ CHQS tỉnh Kon Tum nhận đỡ đầu, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, các thôn, làng của xã Ya Xiêr đã “thay da đổi thịt”...

Giáp Tết Nguyên đán Quý Mão, chúng tôi cùng một số cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Sa Thầy về thăm làng Trang (xã Ya Xiêr). Thấy các con bộ đội về chơi, già làng A HLưm chạy đến nắm chặt tay từng người, đôi mắt ánh lên rạng rỡ, miệng cười tươi, hồ hởi thăm hỏi. Chỉ tay về phía nương rẫy xanh bạt ngàn trước mặt, già làng A HLưm phấn khởi khoe: “Gần 1 ha cà phê đã cho thu bói được xấp xỉ 10 tấn, 2 ha sắn cũng đã thu hoạch, tổng cộng trị giá hơn 100 triệu đồng. Năm nay mình có cái Tết no đủ rồi. Đều nhờ công sức bộ đội cả đấy!”.

Mấy năm về trước, làng Trang đất đai khô cằn, bà con không nắm được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chỉ biết trồng sắn, trồng lúa theo kinh nghiệm nên dù đã cố gắng, chăm chỉ làm việc mà vẫn không đủ ăn. Thấy tình hình đó, theo chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh Kon Tum, Ban CHQS huyện Sa Thầy đã cung cấp cây giống, vật nuôi và xuống tận nơi giúp người dân đào hố trồng cây cao su, cà phê... Sau đó, đơn vị tiếp tục cử người xuống cùng làm và hướng dẫn tỉ mỉ cho bà con cách làm cỏ, tưới nước, phòng, chống sâu bệnh... Đến nay, nhìn thấy những thành quả đầu tiên, không riêng già làng A HLưm mà bà con ở làng Trang đều rất vui mừng. Nhiều gia đình mấy năm trước chưa ai dám nghĩ mình có thể no đủ trên chính mảnh đất này. “Cứ ngỡ như trong mơ vậy!”, già A HLưm nói.

Được biết, thực hiện Phong trào “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” của tỉnh Kon Tum, hằng năm, trên cơ sở quy chế phối hợp, Bộ CHQS tỉnh phân công các đơn vị trực tiếp hỗ trợ địa phương thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Với cách làm không dàn trải, Bộ CHQS tỉnh giao cơ quan quân sự cấp huyện, xã phối hợp với địa phương lựa chọn các hộ khó khăn, trước tiên là gia đình chính sách để áp dụng mô hình phát triển kinh tế phù hợp, sau đó rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng. Thượng tá Trần Văn Khánh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Sa Thầy cho biết: “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương bám nắm địa bàn, kiên trì tuyên truyền vận động, cầm tay chỉ việc để giúp người dân từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm từ trồng trọt đến chăn nuôi, chuyển đổi đất bạc màu sang trồng các loại cây công nghiệp hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi còn hỗ trợ ngày công lao động giúp đồng bào làm chuồng trại chăn nuôi, đường giao thông đến khu sản xuất. Lúc đầu, bà con chưa tin nên ít người làm theo, sau thấy rõ hiệu quả rồi thì ai nấy đều nghe theo bộ đội”.

Không chỉ ở xã Ya Xiêr, đối với các xã Hơ Moong và Ya Tăng, bộ đội cũng hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng lúa nước, giúp năng suất tăng lên. Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Kon Tum còn hỗ trợ hàng nghìn ngày công làm đường bê tông, nạo vét kênh mương và làm vệ sinh thôn, làng; giúp đỡ gia đình chính sách, gia đình khó khăn chăm sóc, thu hoạch hoa màu khi vào mùa vụ; quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa... Các đơn vị cũng phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bài trừ các hủ tục...

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr chia sẻ: “Nhờ có bộ đội giúp đỡ cùng với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước, bộ mặt thôn, làng có nhiều đổi mới, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, đời sống được cải thiện; an ninh trật tự được giữ vững”.

Ya Xiêr bước sang năm mới như được khoác chiếc áo mới, lòng người phấn khởi, tình cảm quân dân gắn bó, thân thương là những cảm nhận của chúng tôi khi đến với vùng đất biên giới này.

2. Tùng Lâm. Người Dap Thanh Y đón Tết miền biên viễn

Báo An ninh biên giới.-Số 03.-Chủ nhật, ngày 22/1/2023.-Tr.24

3 năm trước, hơn 20 hộ người Dao Thanh Y đã rời tỉnh Đắk Lắk đến xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum làm kinh tế mới. Sau những năm nỗ lực lao động, đời sống của bà con nơi đây đã dần ổn định. Tết đến, Xuân về, bà con Dao Thanh Y trên miền biên viễn rộn ràng với những phong tục đón năm mới vẹn nguyên bản sắc văn hóa của dân tộc.

Cái Tết đầu tiên nơi quê mới

Trong tiết trời se se lạnh, lá cao su lác đác rơi, nắng Xuân ngập tràn trên con đường dẫn vào bản người Dao Thanh Y ở điểm Nông trường 1, hay còn gọi là làng Mới ở thôn 3, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum, tôi cảm nhận rõ không khí Tết đã hiện diện nơi đây.

Vừa đến đầu làng, những khúc nhạc Xuân rộn ràng khắp xóm, tiếng nói cười của bà con đã rôm rả trong nhà Thôn phó người Dao - Trum Tốc Lệnh, khói bếp quanh quẩn trên mái nhà, các chị em đang cùng nhau nấu bánh chưng gù. Cành mai vàng rực rỡ khoe sắc nổi bật nơi góc nhà vách ván nâu đỏ, mùi gia vị tẩm ướp đồ ăn thơm khắp ngõ ngách, trẻ em trong những bộ đồ mới tung tăng nô đùa.

Niềm nở ra đón khách, Thôn phó Trum Tốc Lệnh phấn khởi khoe rằng: “Năm nay là năm đầu tiên chúng tôi đón Tết khi nhà nhà đều được sử dụng điện lưới quốc gia, bà con ai nấy đều phấn khởi và không còn ý định về quê ăn Tết”. Ông Lệnh kể, ông cùng người dân vào đây năm 2019, theo diện công nhân khai thác mủ cao su cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Duy Tân. Thời gian đầu chỉ có 4 hộ, rồi dần dần, bản người Dao Thanh Y tăng lên 24 hộ, cùng nhau đoàn kết làm ăn với mong muốn thoát nghèo.

Ông Lệnh vẫn nhớ như in cái Tết đầu tiên, khi rừng cao su trơ trụi lá, những mầm non xanh mơn mởn dần nhú lên, lúc này, công nhân cao su cũng tất bật dọn lô, nghỉ khai thác mủ cao su để đón Tết. Nhiều người dân trên địa bàn chọn phương án về quê đón Tết, bởi ngày ấy, nơi đây không có điện, cuộc sống còn thiếu thốn, khó khăn trăm bề.

Cái Tết năm ấy, bản người Dao Thanh Y cũng chỉ có vài nhà ở lại, ai cũng nghĩ sẽ có cái Tết buồn, ấy vậy mà được chính quyền địa phương phối hợp với BĐBP quan tâm, tổ chức “Ngày hội bánh chưng xanh” ngay tại điểm làng Mới, người Dao Thanh Y cùng đồng bào 12 dân tộc khác trong thôn 3 đón một cái Tết ấm áp khó quên.

Ngày hội năm ấy là lần đầu tiên bà con người Dao Thanh Y đón Tết trên vùng quê mới, được thấy rõ con đường làng về đêm, được nghe những bản nhạc quê hương nhờ chiếc máy nổ phát điện do chính quyền hỗ trợ. Cũng tại ngày hội, những món quà Tết được trao tận tay cho bà con nghèo, tuy giá trị không lớn, nhưng ấm áp đến nhường nào.

Xa quê hương, bà con lấy tình đoàn kết bù đắp những thiếu thốn. Ông Lệnh nhớ lại, ngày ấy không có tủ lạnh để giữ thịt lâu ngày, bà con cùng nhau “đụng” heo chia năm, xẻ bảy, mỗi người một phần, nhà nào ăn không hết thì gác bếp rồi ăn dần. Tối đến, dưới ánh điện leo lét được chạy bằng bình ắc quy, các hộ ngồi chụm lại cùng nhau thưởng thức món bánh chưng gù nóng hổi, cùng nhau ôn lại kỉ niệm đón Tết nghèo của nhiều năm về trước. “Nhưng năm nay sẽ khác, bản người Dao Thanh Y đã khởi sắc, đời sống nâng cao, bà con được đón một cái Tết ấm cúng hơn” - Thôn phó Trum Tốc Lệnh cười hiền.

Vẹn nguyên bản sắc ở miền biên viễn

Tạm gác lại câu chuyện Tết xưa, Thôn phó Trum Tốc Lệnh giới thiệu với tôi những nét đẹp bản sắc văn hóa mà người Dao Thanh Y đưa đến vùng biên Ia H’Drai.

Người Dao Thanh Y thường gói bánh chưng gù vào những ngày cuối tháng Chạp. Gác lại bộn bề một năm lao động vất vả, nhà nhà rủ nhau lên rừng hái lá dong, bẻ lá đót. Lá gói bánh được chọn lọc kĩ càng, lá to, đều, không bị sâu, đốm, không quá già hoặc quá non, để trong quá trình gói, lá không bị nứt, rách. Bánh chưng gù có cách làm và hình dáng gần giống bánh tét nhưng dẹt hơn, to hơn cổ tay, dài khoảng 25 cm, hai đầu được gói bằng nhau, phần giữa nhô nhô lên tựa như quả đồi. Bánh chưng gù được gói từ những hạt nếp rẫy trắng ngần, bọc nhân thịt ba chỉ, đậu xanh. Bánh nấu nhanh chín, để được dài ngày. Với kích thước nhỏ gọn, bánh chưng gù là người bạn gắn bó với bà con lên rẫy những ngày sau Tết.

Trong trang phục truyền thống của người Dao Thanh Y, miệng nói, tay làm, các chị em quây quần bên mâm bánh chưng gù xanh mướt. Từng chiếc bánh được gói cẩn thận từ những đôi tay cần mẫn, đầy vết chai của những cô công nhân cao su, không ngại khó, ngại khổ đến sống, làm việc, đón Tết trên miền biên cương đầy nắng gió.

Thấy tôi nhìn chăm chú, chị Lý Thị Duyên dí dỏm hỏi: “Anh thấy trang phục dân tộc em có đẹp không? Năm nay làm ăn có dư, nên mỗi chị em đều tự mua nguyên liệu rồi dệt cho mình một bộ. Từ yếm, áo, quần, khăn đội đầu, chụp tóc, dây đai, xà cạp, tua hồng, chùm hạt… bọn em tự làm được, duy nhất chiếc kiềng bạc là phải đặt ngoài tiệm. Được mặc trang phục dân tộc mình trong ngày Tết, hòa mình cùng các dân tộc khác trong các lễ hội nơi quê mới, đó là niềm tự hào của em, của dân tộc mình”.

Những ngày cuối năm, sau khi dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón Tết, người Dao Thanh Y còn chuẩn bị thêm những mẫu giấy đỏ với các câu đối dán lên bàn thờ tổ tiên, cùng những bao giấy lì xì (giấy đỏ) dán khắp nhà theo số lẻ, có thể 9 tờ, 7 tờ, 5 tờ hoặc 3 tờ. Dù nhiều hay ít thì cũng chung một mong muốn cầu cho những rủi ro, xui xẻo của năm cũ qua đi, năm mới đón nhiều may mắn, tiền tài.

Mùng 1 Tết, dân làng xúng xính trong những bộ quần áo mới, mỗi nhà mang một bó hương đến nhà già làng, người có uy tín trong làng để cầu tài, chúc Tết, sau đó mới sang nhà người thân, bà con, hàng xóm. Mỗi nơi đến thăm, chủ nhà sẽ niềm nở mời khách dùng mâm cơm Tết do gia đình chuẩn bị từ trước.

Trong mâm cơm Tết của người Dao Thanh Y, không thể thiếu món chân giò hầm “cây đát” và gà nấu lõi chuối rừng. Các nguyên liệu làm những món này đều là nguyên liệu sạch, “cây đát” và lõi chuối do bà con tìm hái trong rừng. Hòa quyện cùng vị mặn, ngọt của món ăn là vị thơm, nồng của hương rượu “hoẵng”. Để có rượu “hoẵng” đúng vị, từ đầu tháng 10 âm lịch, bà con người Dao Thanh Y đã bắt đầu chuẩn bị. Từ men rượu, nếp nấu cho đến rượu ngâm, tất cả đều được chính đôi tay cần cù của đồng bào Dao Thanh Y thật thà, chân chất làm ra.

Nhón một miếng, rồi thêm miếng nữa, những món ăn đặc trưng của người Dao Thanh Y khiến tôi khó cưỡng lại. Từ vị bùi bùi của “cây đát” đến vị ngọt ngọt, chát chát của lõi chuối rừng, vị cay nồng của rượu “hoẵng”, tất cả tạo nên một mâm cơm Tết đậm nét người Dao Thanh Y. Và trong mâm cơm ấy, những câu chuyện về học hành của con cái, dự định xây nhà, làm giàu... lại được mọi người bàn luận sôi nổi.

Làng người Dao Thanh Y tại Kon Tum đang chuyển mình mạnh mẽ.

TIN TỨC LIÊN QUAN

back-to-top